Do đó, phải tính toán và cân đối kỹ. Tôi đồng ý quá trình cổ phần hóa là tốt, giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, của nhân dân, tính toán cho hài hòa. Hiện có rất nhiều công ty, thuê đất ở TPHCM, Hà Nội, trong sổ sách là bằng không, nhưng giá trị thật đến vài nghìn tỷ. Đơn cử như Công ty Triển lãm Giảng Võ giá trị cổ phần của Nhà nước chỉ hơn 100 tỷ nhưng giá trị thực tế lớn hơn rất nhiều.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp này nếu bán thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua vì đây đều là những thương hiệu tốt, hấp dẫn nhà đầu tư. Và điều còn lại quan trọng đó là chúng ta sẽ bị mất đi thương hiệu Việt.
Cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để thoái vốn các DN Nhà nước đang làm ăn hiệu quả, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và là Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM nói với chúng tôi rằng, việc thoái vốn cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
* Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương thoái vốn tại 10 DN mà Chính phủ mới đưa ra?
Nhiều chuyên gia cho rằng trong thời điểm này cần ra sức thoái vốn, công chúng hóa các DNNN, song bán rẻ thì mất tài sản nhà nước thôi. Cũng do có quan điểm là khi thoái vốn, dù chỉ thu về một đồng nhưng công ty hoạt động hiệu quả hơn thì vẫn tốt hơn. Thực tế thì sau khi cổ phần hóa thì công ty nào cũng làm ăn tốt hơn, ngay cả tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ chỉ còn ở mức thấp.
Thế nhưng nhìn sang Trung Quốc, khi IPO các DN thường chọn thời điểm cao để phát hành, chứ không chọn thời điểm thấp để phát hành. Cần lưu ý rằng, DNNN của mình nắm tài nguyên rất nhiều, nhưng giá trị tài sản lại không hiện lên sổ sách. Đơn cử như đất đai, tiền sử dụng đất đưa vào sổ sách, nhưng giá trị đất đai thường ghi bằng không, nên đôi khi phát hành, nhưng ẩn sau đó là tài sản rất lớn, như vậy thì mất tài sản nhà nước.
Do đó, phải tính toán và cân đối kỹ. Tôi đồng ý quá trình cổ phần hóa là tốt, giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, của nhân dân, tính toán cho hài hòa. Hiện có rất nhiều công ty, thuê đất ở TPHCM, Hà Nội, trong sổ sách là bằng không, nhưng giá trị thật đến vài nghìn tỷ. Đơn cử như Công ty Triển lãm Giảng Võ giá trị cổ phần của Nhà nước chỉ hơn 100 tỷ nhưng giá trị thực tế lớn hơn rất nhiều.
* Vậy theo ông đây có phải là thời điểm thuận lợi và thích hợp để SCIC (Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước) bán được lời?
Tôi nghĩ đơn giản thời điểm này nhà đang nghèo, cần phải chi tiêu nhưng không có tiền nên buộc phải làm như vậy, chứ còn ai cũng biết là không nên. Việc phát hành trái phiếu gặp khó khăn, các khoản nợ tăng lên, nên buộc chúng ta phải lựa chọn một trong những biện pháp như vậy.
Trong những năm vừa rồi Chính phủ cũng cố chờ thị trường phục hồi nhưng chậm, mà chờ thì không biết bao giờ thị trường lên. Chờ mãi mà đi vay, nên có quan điểm là tốt nhất thoái vốn lấy tiền. Song nếu có thoái được vốn thì số tiền thu về cũng không được bao nhiêu ngàn tỷ so với chi tiêu ngân sách hiện nay.
Hiện nay cổ phiếu Vinamilk hay FPT đều là những cổ phiếu rất tốt. Bán thời điểm này thực sự rất là tiếc vì chưa thực sự cao. Nếu tôi có tiền tôi cũng mua ngay, tôi không có tiền nên phải chịu.
Cuối cùng là gì, nước ngoài sẽ mua thôi vì đây đều là những thương hiệu tốt nên họ đang cần mua ngay. Vừa rồi đã có mấy quỹ đăng ký mua rồi, mình sẽ bị mất thương hiệu Việt của mình thôi. Như Vinamilk là cổ phiếu “hot”, trong khi mua lẻ tẻ bên ngoài thì nhà đầu tư sợ thị trường tăng giá nên không mua được. Nên đây là thời cơ tốt cho các nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu của những DN này.
* Nếu như vậy thì phải chăng việc quyết định thoái vốn của Chính phủ tại các DN trên là sai lầm, thưa ông?
Trên quan điểm đầu tư tôi lấy ví dụ tại Singapore, cũng công ty quản lý vốn Nhà nước giống như SCIC, nhưng mô hình Temasek của họ rất tốt. Tức là để cho DN quản lý vốn, tài sản nhà nước này có chức năng như công ty, kinh doanh thực sự và tự nó hiểu, nhận thấy cái gì có lợi. Nhà nước giao nhiệm vụ cho nó, năm nay sẽ đem lại lợi tức bao nhiêu. Nhà nước là cổ đông và SCIC là công ty, quản lý vốn của DNNN. Nó có quyền mua và bán, nhưng phải trên cơ sở mang lại được lợi ích.
Tôi cho rằng, việc quản lý vốn Nhà nước không phải là bằng quyết định hành chính là bán ra hay mua vào, sẽ không hiệu quả. Quan điểm của tôi là giao nhiệm vụ rõ ràng để DN này kinh doanh, nộp ngân sách về cho Chính phủ được, mới là vấn đề. Bởi dùng lệnh hành chính, khi bán ra có thể xảy ra chuyện “nhắm mắt” bán cho xong, mất hết vốn Nhà nước, nhất là trong thời điểm thấp như hiện nay.
Vấn đề chính là thay đổi cách nghĩ, thay đổi tư duy và học tập ngay mô hình như của Singapore. Song cái khó bó cái khôn, do phát hành trái phiếu khó khăn, nguồn vốn thiếu, đành “nhắm mắt” như vậy nhưng mà liệu ta có thành công và bán được giá kỳ vọng hay không thì cũng chưa chắc.