Có thể bạn sẽ bất ngờ với điều này bởi theo logic việc cân nhắc một thực đơn phong phú, thay đổi thường xuyên sẽ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho cơ thể khỏe mạnh; và tất nhiên cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với một cái đầu minh mẫn và sáng suốt. Tuy nhiên, điều này sẽ tốn của bạn không ít thời gian, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ.
Đơn giản hóa cuộc sống chính là bí quyết giúp những vị CEO nổi tiếng đạt thành công và có nhiều thời gian cho công việc. Vậy đơn giản hóa thế nào?
Tên tuổi Mark Zuckerberg không chỉ gắn với Facebook mà còn gắn liền với một tủ đồ toàn áo thun trơn màu ghi xám đơn giản. Giải thích cho điều này, Mark chia sẻ rằng anh không muốn phải bận tâm suy nghĩ tới việc mặc gì mỗi ngày. Mark muốn tiết kiệm thời gian và năng lượng để suy nghĩ và lựa chọn những vấn đề quan trọng hơn, như cách thức mới để kết nối thế giới. Hãy nhìn vào thành quả mà Mark đạt được: mạng xã hội Facebook ngày càng rộng mở với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới hay những con số dài vô tận từ quỹ tài sản khổng lồ.
Không chỉ Mark, những tấm gương thành công như Steve Jobs hay Stephen King cũng có thói quen tương tự. Điểm chung của họ là cắt giảm thời gian cho vô số quyết định nhỏ nhặt, để tập trung tâm trí và năng lượng cho một số ít vấn đề quan trọng hơn. Và để noi theo tinh thần của Mark và Steve, bạn hãy tự đặt ra một vài câu hỏi để đơn giản hóa các quyết định trong cuộc sống!
Ăn gì hôm nay?
Có thể bạn sẽ bất ngờ với điều này bởi theo logic việc cân nhắc một thực đơn phong phú, thay đổi thường xuyên sẽ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho cơ thể khỏe mạnh; và tất nhiên cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với một cái đầu minh mẫn và sáng suốt. Tuy nhiên, điều này sẽ tốn của bạn không ít thời gian, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ.
Vì thế, cách thông minh hơn là hãy trung thành với một thực đơn ưa thích hoặc một quán ăn quen thuộc cho mỗi bữa sáng hoặc trưa chẳng hạn. Julie Anne Exter, nổi danh với các bài viết sắc sảo trên tạp chí Inc.com đã chia sẻ về thói quen ăn uống trăm ngày như một: “Khi còn là sinh viên, tôi luôn mua đồ ăn trưa từ chiếc xe bán hàng lưu động. Đồ ăn vô cùng rẻ nhưng rất ngon.
Điều này thực sự đã giúp tôi đơn giản hóa cuộc sống của mình và tiết kiệm thời gian quý báu vào những việc ý nghĩa khác. Bạn có thể sẽ kêu lên rằng bạn không thể ngày nào cũng như ngày nào, ăn cùng một món như tôi đã làm. Nhưng “từ khóa” ở đây là “đơn giản”: hãy chọn một thực đơn đơn giản, dễ ăn hoặc dễ nấu và để dành thời gian cho những việc khác quan trọng hơn!”
Nên làm việc gì trước?
Bạn có thói quen mỗi sáng đến công ty, mở máy tính và check email, nhìn vào danh sách dài dằng dặc những việc cần làm trong ngày, dành ra 15 phút suy ngẫm để quyết định nên xắn tay vào việc nào đầu tiên? Phải rồi, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc là rất quan trọng, đặc biệt là khi phân loại nhiệm vụ theo những tiêu chí rõ ràng như việc đòi hỏi tính chuyên môn cao hay công việc chỉ mang tính chất có mặt.
Nhiều người có trí nhớ tốt sẽ tự sắp xếp những công việc này một cách tuần tự và mạch lạc trong đầu, một số khác thì cần đến sự trợ giúp của giấy nhớ hoặc sổ tay để ghi nhớ công việc. Bất kể bạn theo cách nào thì nên nhớ, đừng để thời gian trôi qua một cách lãng phí và công việc thì vẫn giậm chân tại chỗ.
Việc gì nên để tâm tới?
Nếu bạn là người thích đọc tin tức thì điều này là tốt vì bạn sẽ không bị tụt lại với thế giới thông tin và công nghệ số. Tuy nhiên, nếu bạn là tuýp người “cả tin” và thường bị áp đảo tâm lý bởi loạt tin tức thì điều này lại không tốt chút nào. Ví dụ như gần đây bạn nghe nhiều về vi-rút Zika và bỗng cảm thấy hoang mang, lo sợ liệu rằng mình có không may bị muỗi chích và cũng đang mang mầm mống vi rút nguy hiểm đó trong cơ thể?
Có một cách vô cùng đơn giản để bạn vượt qua bất an và trở lại với thực tại: Hãy hít một hơi thật sâu rồi thở ra, tưởng tượng rằng bạn đã trút hết nỗi lo khi thở ra như vậy. Xong! Giờ bạn chỉ cần tiếp tục tập trung vào công việc và tận dụng nốt quỹ thời gian quý giá còn lại trong ngày.
Nên làm việc gì khi rảnh rỗi?
Bạn thuộc tuýp người cực kỳ bận rộn với lịch làm việc dày đặc và chỉ cần 3 tiếng trống việc cũng giống như một kỳ nghỉ dài trong quỹ thời gian 24 tiếng vậy. Ấy vậy mà bạn lại để thời gian trôi qua lãng phí vì cân nhắc giữa bộn bề những việc cần tranh thủ làm trong 3 tiếng ấy. Một lần nữa lời khuyên dành cho bạn là hãy đơn giản hóa câu trả lời. Điều gì vụt lên đầu tiên trong tâm trí bạn, hãy làm việc đó! Và chắc chắn rằng bạn sẽ không phải cảm thấy hối tiếc khi hoàn thành xong xuôi một việc treo lại đã lâu.
Việc giải phóng tâm trí khỏi những vướng bận nhỏ nhặt thường ngày sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng và tận dụng trí não để giải quyết những việc to lớn hơn. Cũng như cách mà Mark Zuckerberg hay Steve Jobs đã làm, bạn hoàn toàn có thể “chèo lái” cho con tàu cuộc sống cập bến thành công nhờ quỹ thời gian quý báu tiết kiệm được mỗi ngày. Và biết đâu ngày mai, bạn sẽ nghĩ ra một điều gì đó to lớn như Mark đã nghĩ ra Facebook, khi đó đừng quên cảm ơn những thói quen mà bạn học được từ bài báo này!