Không như mọi người nghĩ, dù bán hàng chỉ một dịp cuối năm nhưng làm lịch là chuyện của cả mười tháng trước đó. Nhiều người bảo, làm lịch chỉ cần lấy mẫu cũ, thêm thắt vài thứ và sửa lại ngày, tháng là xong, nhưng thực tế không phải vậy.
Tại sao lịch làm cho người Việt sử dụng lại phải dùng chữ Tàu? Tại sao lịch Việt lại không thể là một ấn phẩm văn hóa?… là những câu hỏi dẫn dắt ông đến quyết tâm kiên định với con đường làm mới lịch, một sản phẩm rất cũ nhưng lại đầy tiềm năng ở thị trường Việt Nam.
Khởi nghiệp, phá sản rồi lại khởi nghiệp để có thể mang đến thị trường hơn 300 mẫu thiết kế lịch, giấc mơ của Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại In Phương Nam, gói gọn trong ba chữ: Lịch thuần Việt.
Sau đây là những trao đổi trò chuyện với ông Quốc Anh:
* Vừa xong một mùa lịch với điểm kết là Tết 2016 đã thấy ông “xuất hành”, rong chơi vạn dặm, có vẻ như Tết của những người làm lịch thường dài hơn bình thường, cả năm chỉ làm có một mùa?
– Không như mọi người nghĩ, dù bán hàng chỉ một dịp cuối năm nhưng làm lịch là chuyện của cả mười tháng trước đó. Nhiều người bảo, làm lịch chỉ cần lấy mẫu cũ, thêm thắt vài thứ và sửa lại ngày, tháng là xong, nhưng thực tế không phải vậy.
Làm lịch trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn và cạnh tranh vô cùng gay gắt, do vậy, từ lên ý tưởng, thiết kế đến tạo hình…, tất cả đều phải dành thời gian kỳ công đầu tư. Không phải đợi đến bây giờ mà từ trước Tết 2016, đội ngũ làm lịch của Lịch xuân Phương Nam đã rục rịch chuẩn bị cho mùa sản xuất lịch 2017.
* Bắt đầu bằng…?
– Với riêng tôi, một mùa làm lịch mới được khởi đầu bằng những chuyến đi. Đi để khơi thông ý tưởng, để có những sáng tạo mới cho sản phẩm. Điều này có thể xuất phát từ việc tôi có một phần “máu nghệ sĩ” chứ không chỉ là người kinh doanh thuần túy. Tôi đam mê nhiếp ảnh và mỹ thuật, nếu không rẽ ngang theo con đường kinh doanh thì có lẽ giờ đang là phóng viên ảnh ở một tòa soạn báo nào đó.
* Con đường kinh doanh đó hẳn không dễ dàng?
– Tôi khởi nghiệp ở vị trí điều hành Công ty In Phương Nam năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra khiến thị trường sụt giảm, ngành in trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Từ một đơn vị chuyên in dịch vụ, In Phương Nam “tìm đường sống” bằng việc sản xuất những sản phẩm mang thương hiệu riêng, tự in ấn, phát hành, trong đó Lịch xuân Phương Nam là thương hiệu đầy tự hào của Công ty CP Thương mại In Phương Nam.
* “Tuyệt chiêu” ông sử dụng để duy trì hướng đi “tự sản tự tiêu” là gì?
– Là đổi mới trong thiết kế. Ngày đó, thị trường lịch giống như một chiếc bánh đã được chia phần, mỗi đơn vị cát cứ một phân khúc và mẫu mã sản phẩm thì cứ na ná nhau. Tôi đã chọn thế mạnh của mình: sức sáng tạo không giới hạn làm “vũ khí” cạnh tranh. Bản thân là giảng viên đại học, tôi còn có lợi thế là khả năng liên kết với sinh viên các trường đại học.
Tôi đầu tư mạnh vào nguồn lực này, tài trợ cho các sân chơi của sinh viên, làm “bà đỡ” cho những ý tưởng sáng tạo bay bổng của những người trẻ. Tuy chỉ khoảng 5 – 10% những thiết kế này sử dụng được và phải gia công thêm nhiều nhưng nhờ tiếp xúc với người trẻ, chúng tôi thấy mình không già cỗi, cũ mòn, mà luôn được truyền năng lượng mới để tiếp tục có được những ý tưởng mới.
* Thời điểm In Phương Nam bước ra thị trường, các “cây đa cây đề” trong ngành sản xuất lịch đã định hình, lúc đó ông có thấy lo sợ?
– Không chỉ lo sợ mà còn ám ảnh. Áp lực của thị trường dành cho “ma mới” kinh khủng lắm, nhất là việc khống chế các đại lý phát hành. Ngay từ mùa lịch đầu tiên, tôi đã lao đao vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, dù đã bỏ công đi khắp trong Nam ngoài Bắc để chào hàng và ký gửi từng cuốn lịch. Lần đó, tôi cầm chắc phá sản, ở công ty thì khóc trên đống lịch mình dày công đầu tư, về đến nhà chỉ muốn buông hết, ngủ một giấc dài rồi ra sao thì ra.
Qua cơn khủng hoảng, tôi bắt đầu tìm hiểu tại sao cả làng lịch “đánh hội đồng” một thương hiệu mới? Phải chăng do sản phẩm của mình tốt nên mới trở thành mối de dọa của các công ty khác? May mắn là tôi có được người bạn đời tận tâm, hết lòng yêu thương tôi, những lúc tôi gặp thất bại như thế đã không hề trách móc mà còn động viên, khuyến khích tôi làm lại.
Tôi quyết định cắn răng tiếp tục bám trụ thị trường. Hai mùa lịch tiếp theo, nhờ tích cực đổi mới, sản phẩm của tôi đã được thị trường đón nhận. Sau 5 năm thì In Phương Nam đã được nhiều tập đoàn lớn tin tưởng chọn là đơn vị cung cấp lịch cho họ. Bây giờ nhìn lại, tôi lại thầm cảm ơn thất bại. Vừa thiếu kinh nghiệm, vừa háo thắng và thiếu cả tính toán…, mùa lịch đó tôi không “chết” mới lạ, mà nếu có tồn tại thì chắc chắn 3 năm sau, thất bại còn kinh khủng hơn.
* Cụ thể, ông đổi mới như thế nào?
– Tôi quan niệm, lịch không chỉ là sản phẩm đơn thuần phục vụ việc xem ngày, tháng mà nó còn có nhiều chức năng hơn, nhất là làm “đại sứ” cho doanh nghiệp. Rõ ràng, nhà nào cũng phải treo ít nhất một cuốn lịch nên thương hiệu gắn trên lịch không thể làm sơ sài vì nó có nhiệm vụ nhắc người dùng nhớ đến thương hiệu. Do vậy, phải có sự đầu tư để sản phẩm thích hợp với triết lý và sứ mệnh doanh nghiệp đó đang theo đuổi.
Ngoài đưa ra các chủ đề thiết kế sản phẩm để mỗi cuốn lịch là một câu chuyện khác biệt như: Biển đảo Việt Nam, 365 ngày ngọt ngào (giới thiệu các món bánh, mứt Việt Nam), 365 ngày xuyên Việt (giới thiệu danh thắng nước nhà), 365 mẫu tiền tệ quốc tế…, đội ngũ tư vấn của In Phương Nam còn dành thời gian tìm hiểu đối tác trước khi thiết kế và ghi nhận ý kiến của khách hàng để hoàn thiện thiết kế, sau đó mới sản xuất.
Các doanh nghiệp làm lịch khác thường vướng bất lợi do giữa khâu thiết kế và sản xuất hay có “khoảng cách” vì không hiểu ý nhau. Chúng tôi nắm vững cả hai bộ phận này nên hạn chế được điều đó. Tôi thường nhắc nhân viên, là người đến sau, Phương Nam thiết kế có thể không bằng, giá thành cũng không thể cạnh tranh nên mình phải làm tốt khâu tư vấn và bám sát thực tế doanh nghiệp để giúp họ có những lựa chọn hợp lý.
Cá nhân tôi cho rằng, lịch Việt phải dành cho người Việt, nghĩa là không nhất thiết phải có chữ Tàu như trước nay vẫn thế. Bởi có mấy người đọc được những ký tự ấy đâu, chưa kể rất khó kiểm soát các con chữ ấy viết có đúng không. Ban đầu, việc này bị các đại lý phản ứng dữ dội vì… không giống như bình thường, nhưng khi người dùng chấp nhận thì mọi chuyện đã khác. Mùa lịch năm 2016, nhiều doanh nghiệp còn đề ra yêu cầu “không được có chữ Tàu trên lịch”. Điều này cho thấy tôi đã quyết định đúng.
* Tổ chức triển lãm lịch hàng năm cũng là một điều mà In Phương Nam “khác người”?
Như đã nói, sức ỳ của thị trường lịch trước đây rất lớn. Tham gia vào thị trường, nhiều khi tôi có cảm giác mình đang bơi giữa một đại dương mênh mông, không điểm bám, không người thân, không người dẫn đường… Tất cả đều phải tự thân vận động. Để “đánh động” khách hàng phía Bắc, năm đầu tiên, tôi quyết định tổ chức Triển lãm Xuân Nam, Lộc Bắc, trưng bày tất cả các thiết kế lịch của Phương Nam, thêm cả các ý tưởng thiết kế của sinh viên có được từ những sân chơi thiết kế do chúng tôi tổ chức ở Tràng Tiền.
Triển lãm này gây được chú ý và từ đó, Phương Nam có kết nối với các khách hàng miền Bắc. Những năm sau, tôi dời triển lãm vào địa bàn chính của mình là TP.HCM. Năm 2015, triển lãm lịch chủ đề Biển đảo quê hương cũng được đánh giá cao. Bên cạnh công năng sử dụng, giá trị văn hóa của lịch cũng rất cao. Phải xem lịch là một ấn phẩm văn hóa thì người làm lịch mới dày công đầu tư.
* Con số vài chục tỷ doanh thu/năm chắc đã khiến ông hài lòng?
– Thực sự In Phương Nam chỉ mới chiếm một phần nhỏ thị phần của khối khách hàng doanh nghiệp. Thị trường lịch ở Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển mạnh trong thời gian tới nên tôi không nghĩ con số đó đã có thể làm mình thỏa mãn. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa bởi thị trường cũng có rất nhiều rủi ro. Kinh doanh mùa vụ đòi hỏi doanh nghiệp phải huy động vốn lớn, tích trữ vật tư, tập trung cho công tác bán hàng…
Thật lòng mà nói, điều tôi theo đuổi khi bước chân vào thị trường không phải là những con số mà là lòng đam mê. Tôi luôn bị thôi thúc bởi ý tưởng làm lịch thuần Việt, làm thế nào để trả lại đúng bản sắc Việt cho những cuốn lịch vốn đã và đang gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Việt. Bản thân tôi cũng thích mạo hiểm, muốn thử thách bản thân để không rơi vào trạng thái ỳ, nên tôi chưa cảm thấy hài lòng với kết quả kinh doanh đạt được.
* Ông thử thách bản thân bằng việc chinh phục Sơn Đoòng trong năm vừa rồi?
– Tôi xem chuyến đi đó là món quà tặng cho hành trình tuổi trẻ của bản thân vì biết đâu mười năm nữa mình sẽ không còn sức để đi. Có đi mới thấy quê hương mình đẹp đến mức nào, để yêu thương dải đất hình chữ S này nhiều hơn, để cố gắng làm nhiều điều tốt hơn nữa… Tôi là người không tin vào vận may, mà thường nghĩ những gì dễ dàng sẽ không đến lượt mình nên luôn không ngừng cố gắng để vượt qua khó khăn.
Kết quả đáng kể mà tôi có được sau hành trình khám phá Sơn Đoòng là một tập sách ảnh để kể cho những người chưa đến được tận nơi câu chuyện về thiên nhiên, về con người ở Sơn Đoòng.
* Sau Sơn Đoòng, điểm chinh phục mới của ông sẽ là…?
Thay vì một điểm đến, tôi đang ấp ủ một dự án dài hơi là ghi lại hình ảnh của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Vừa thỏa mãn ý thích chụp ảnh, vừa là một đề tài có thể khai thác cho mùa lịch năm tới. Hành trình này mất nhiều thời gian hơn là công sức nhưng tôi muốn làm trong năm nay.
Làng nghề truyền thống đang ngày càng mai một trong cơn lốc công nghiệp hóa. Đến giờ thì hương phai, sắc nhạt cũng đã nhiều. Tôi sợ nếu cứ nấn ná, sẽ không còn kịp. Biết đâu sau này, chúng ta sẽ chỉ thấy được đời sống làng nghề qua công tác mô phỏng, trình diễn lại phục vụ du lịch?
* Vừa kinh doanh, vừa đi đây đó để tìm kiếm ý tưởng, sáng tác ảnh…, ắt hẳn “hậu phương” của ông phải vững chắc lắm?
– Tôi có đi đâu, làm gì thì cũng chừa ra hai ngày cuối tuần dành cho gia đình. Chỉ có gần con mới có thể truyền dạy cho con những kỹ năng sống, những kiến thức không có trong sách vở. Thi thoảng, tôi đưa gia đình đến thăm các trại mồ côi để thấy mình còn may mắn hơn nhiều người, để con tôi biết trân trọng những thứ chúng đang có.
Tình cảm không phải là thứ mặc nhiên có được, phải gần gũi nhau thì mới có thể gây dựng, gìn giữ. Nhiều người ỷ y, cho rằng mối dây gắn kết những người ruột thịt khó thể suy suyển và cứ để mặc cho mối dây ấy lỏng lẻo khi có cơ hội. Tôi thì không, trước khi chạy theo những đam mê, tôi phải đảm bảo những người thân của mình hạnh phúc.