Ảnh hưởng bởi xu hướng thuần chay organic (hữu cơ) đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, hiện số người Việt chuyển sang ăn thực phẩm chay hữu cơ cũng tăng dần. Dù giá cao nhưng thị trường được ghi nhận tiêu thụ khá tốt.
Tuy chưa thực sự tạo dấu ấn về mặt doanh thu cũng như lợi nhuận, song những năm gần đây phân khúc thực phẩm chay đang được nhiều doanh nghiệp (DN) chú ý khai thác cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Ẩm thực chay đang được người tiêu dùng ủng hộ vì có lợi cho sức khỏe
Thực phẩm chay do DN trong nước sản xuất có giá khá thấp so với hàng ngoại nhập, và hầu hết đều được xuất hiện trên các quầy kệ siêu thị trước khi có mặt ở các hệ thống bán lẻ lớn nhỏ khác. Đây được xem là “điểm cộng” cho hàng Việt. Đồng thời, tạo sự khác biệt đối với các loại thực phẩm chay kém chất lượng, mập mờ nhãn mác khác đang có mặt ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh những cái tên như: Ngọc Liên, Âu Lạc, Bình Tây… với thâm niên ít nhất cũng trên 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chay, những năm gần đây có thêm các tên mới như Am La, Cát Tiên, Đại Dũng, Hoa Đăng…
Từ năm 2014, Công ty TNHH Thực phẩm thuần chay Am La đã đầu tư nhà máy chế biến chả giò chay và dăm bông xắt lát từ đạm lúa mạch và đạm lúa mì. Đây là những mặt hàng chay đông lạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, bên cạnh rất nhiều mặt hàng thực phẩm chay khác được phát triển từ năm 2007 đến nay như: hạt nêm, nước mắm, mắm ruốc, món kho, chả giò, xíu mại, sườn chay, gà lát, heo lát….
Theo ông Lê Ngọc Anh – đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Thuần chay Am La, quá trình chế biến sản phẩm tại Am La hoàn toàn được khép kín. Hiện sản phẩm của Am La đã được phân phối trên thị trường và xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Úc… đồng thời đang được Công ty TNHH SX TM DV Dân Khang phân phối, tìm kiếm đại lý, mở rộng thị trường.
Song thực tế, không phải DN nào cũng thuận lợi tại thị trường “kén người mua này”. Đơn cử trường hợp Công ty TNHH Cát Tiên, được biết đến là đơn vị nhập khẩu và sản xuất trực tiếp các mặt hàng chay khô như gà lát, bóng cá, heo lát, bò lát, gà cục, sườn non thịt bằm…, hàng đông lạnh như gà ướp sa tế chay, bò ướp sả ớt chay, gỏi chay, bánh bột lọc chay, khổ qua nhồi, bắp sú cuộn thịt chay… Hiện đơn vị đang cần tìm đại lý và nhà phân phối để hợp tác kinh doanh.
Song theo ông Trịnh Duy Tân, phụ trách Kinh doanh tại Cát Tiên, với thương hiệu mới tham gia thị trường Việt Nam 3 năm thì đây là một thách thức không hề nhỏ. Hiện sản phẩm của Cát Tiên đã có mặt tại các hệ thống siêu thị tại miền Trung và miền Bắc nhưng tại các hệ thống lớn như Co.op Xtra, Lotte thì Cát Tiên vẫn chưa thể đưa hàng vào.
Trong khi các DN nhỏ thận trọng trong cách mở rộng thị trường thì các “ông lớn” trong ngành lại chọn một phân khúc khác. Cụ thể, Công ty TNHH SX TM XNK Ngọc Liên (tiền thân là cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Liên) được thành lập từ năm 1995, trải qua gần 27 năm hoạt động, đến nay, sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở các thị trường khó tính như Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ, Ba Lan, Canada, Mỹ và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Hong Kong….
Ngay tại thị trường nội địa, thực phẩm chay của DN đã có mặt tại hơn 72 hệ thống siêu thị phân bố tại các tỉnh thành trong cả nước như Metro, Big C, Vinatext Mart, Lotte Mart, Maximark, Aeon, siêu thị Văn Lang, Co.opFood, Vissan, Satra Food, chuỗi siêu thị Nhà Tôi, SMart, Hiway, CoCo Mart. Bên cạnh hệ thống siêu thị, chợ đầu mối Chợ Lớn cũng đang là kênh phân phối hàng hóa lớn của đơn vị.
Về độ phủ tại thị trường xuất khẩu, có lẽ chưa thể sánh bằng Ngọc Liên, nhưng tại thị trường nội địa, Công ty TNHH SX & KD thực phẩm chay Âu Lạc đang được biết đến như nhà sản xuất thực phẩm chay lớn nhất Việt Nam. Theo đó, ngoài hệ thống cửa hàng do chính DN phát triển, Âu Lạc còn mở rộng hệ thống nhà hàng chay và phân phối hàng gần như “phủ sóng toàn quốc”. Đồng thời DN còn đóng vai trò là nhà nhập khẩu phân phối một số mặt hàng thức uống như bia Bavaria 0,0% cồn (Hà Lan).
Tại Công ty CP Sài gòn Food, tính sơ bộ đã có 12 mặt hàng chay góp mặt vào thị trường thực phẩm chay Việt Nam từ năm 2014 đến nay.
Hiện nay, ngoài thực phẩm chay do DN trong nước sản xuất còn có sự tham gia của hàng nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc… Đại diện một cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP.HCM cho hay, cửa hàng đang phân phối hơn 50 loại thực phẩm chay nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc… như: bánh, ngũ cốc, nước ép trái cây… với mức giá dao động từ 150.000 – 600.000 đồng/sản phẩm.
Ảnh hưởng bởi xu hướng thuần chay organic (hữu cơ) đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, hiện số người Việt chuyển sang ăn thực phẩm chay hữu cơ cũng tăng dần. Dù giá cao nhưng thị trường được ghi nhận tiêu thụ khá tốt.
Ông Mã Thanh Bình – đại diện siêu thị Hoa Đăng chia sẻ: “Hoa Đăng chủ yếu bán thực phẩm nhập khẩu chay 100% organic. Dù giá khá cao nhưng lượng khách hàng vẫn tăng đều theo từng năm”.
Với khoảng 500 mặt hàng, trong đó chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm chay hữu cơ, siêu thị Hoa Đăng hướng đến phân khúc khách hàng khá giả. Ở Hoa Đăng, bột nêm organic nhập từ Mỹ được làm từ bột bắp, muối, tinh chất nấm và các loại rau củ hữu cơ được bán với giá từ 315.000 – 450.000 đồng/500gr.
Tương tự nước tương Âu Lạc có giá bán từ 20.000 – 23.000 đồng/1 chai (75ml) trong khi nước tương chay nhập khẩu Hoa Đăng, xuất sứ Nhật có giá bán từ 75.000 – 80.000 đồng/chai (75ml).
Các sản phẩm khác như dầu gạo, dầu ô liu nhập khầu từ Mỹ tại Hoa Đăng có giá từ 150.000 -160.000 đồng/lít, cao hơn dầu thực vật thông thường rất nhiều.