Những điểm yếu như thiếu kinh nghiệm và kiến thức đôi khi khiến các doanh nhân trẻ gặp khó khăn, nhưng họ không nản lòng. Cả Sonia và Jun Wei đều đồng ý rằng, bản thân họ đã trải qua tình thế mà mọi người xem là “thất bại”, nhưng với họ đây là cơ hội để học thêm một bài học quý giá.
Ngày nay, có không ít các bạn trẻ chẳng cần đợi đến ngày tốt nghiệp mới bắt đầu xây dựng cho mình một sự nghiệp riêng. Không cần loay hoay tìm chỗ thực tập hay
20 tuổi, Khởi nghiệp kinh doanh có sớm không?
Cây bút Kang Liang Hoh của Tech In Asia đã cùng trò chuyện với những doanh nhân trẻ đến từ đảo quốc Singapore để hiểu thêm về con đường khởi nghiệp đầy cảm hứng và cũng không ít thử thách của họ khi ở lứa tuổi 20. Câu chuyện về họ và những kinh nghiệm của họ có thể giúp bạn trẻ thêm động lực để vững tâm hơn khi bước chân vào con đường xây dựng sự nghiệp.
Động lực lớn nhất: Cơ hội
Valerie Pang (hiện là sinh viên tại Yale-NUS College) là đồng sáng lập tại diễn đàn MUN và thành lập SDI Academy năm 19 tuổi.
Tan Jun Wei – sinh viên tại trường Republic Polytechnic, đã huy động được 14.000 đô la cho dự án thiết kế một thiết bị y tế. Hiện Wei đang phát triển một mô hình thiết bị cảnh báo giá rẻ.
David Chin, sinh viên tại Singapore Management University (SMU), hiện là đồng sáng lập CIO Academy (ngay trước khi cậu sang tuổi 21).
Ba doanh nhân trẻ này có điểm chung là từng “vô tình” tham gia các hoạt động liên quan đến đào tạo kỹ năng kinh doanh, như các trại huấn luyện khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp, các tổ chức doanh nhân trẻ, các chiến dịch gây quỹ hay các kỳ thực tập kinh doanh. Đây là những cơ hội quý giá giúp các bạn trẻ bồi dưỡng kiến thức, nảy nở ý tưởng kinh doanh và được sống trong môi trường kinh doanh đầy sôi động.
Giá trị cá nhân và niềm tin
Đa số bạn trẻ khởi nghiệp bằng niềm tin thành công chắc chắn và quyết tâm theo đuổi đam mê. Hầu hết đều có một lý tưởng nhất định để theo đuổi.
Ở tuổi 21, Teo Jian Rong đã sáng lập nhiều công ty khác nhau. Học theo gương của Robert Kiyosaki, anh bạn này mở một tiệm in áo thun và một công ty tên Inderr khi còn đang học tại Singapore Polytechnic.
Robin Lim, đồng sáng lập chuỗi thức ăn vặt Made Real đã bắt đầu sự nghiệp năm 19 tuổi, nhưng ở vai trò là một nhà hoạt động xã hội, vận động giới trẻ bỏ định kiến về ngoại hình.
Saravanan Sonia, học sinh trường Trung học NUS tập trung vào công tác xã hội với mong muốn giúp đỡ mọi người xung quanh. Dù không có được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, cô vẫn mạnh dạn khởi nghiệp với doanh nghiệp xã hội LAMP và điều hành chi nhánh Singapore của Youth Hack – một tổ chức phổ cập kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cho học sinh.
Con đường thành công không khi nào bằng phẳng… Ảnh: Jared Erondu.Techinasia
Thử thách lớn nhất: Quản lý thời gian
Hầu hết các doanh nhân trẻ này vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Không mấy ai dám bỏ học, vì xã hội Singapore vẫn rất trọng bằng cấp. Vì vậy, việc cân bằng thời gian học, thời gian làm việc và thời gian dành cho bạn bè, gia đình là rất căng thẳng với các em. Ở tuổi 21, tất cả các bạn trẻ đều có đời sống xã hội sôi động. Nhưng để thành công thì phải chấp nhận đánh đổi.
Jian Rong phải ngủ ít đi từ năm 16 tuổi vì cảm thấy bản thân làm việc tốt hơn vào ban đêm. Valerie đạt được nhiều thứ song phải bỏ qua những hoạt động ngoại khóa ở trường và các cuộc gặp gỡ bạn bè. David thì phải rất chật vật để đạt được điểm số cao ở trường (để duy trì được học bổng) thế nên anh chàng này đành hy sinh thời gian cho gia đình và bè bạn. David nói: “Tôi cần quản lý thời gian thông minh và hiểu rõ những ưu tiên trong những giai đoạn nhất định của cuộc đời”.
Bỏ ngoài tai những lời phản đối
Khởi nghiệp ở tuổi 19 là lúc bạn phải đối diện với rất nhiều sự nghi ngờ, ngăn cản từ người thân, bạn bè. Hầu hết sẽ cho rằng bạn cần phải tập trung vào việc học và sẽ không thể thành công khi còn quá trẻ… con. Chính bạn cũng có lúc nghi ngờ bản thân mình.
Robin đã gặp rất nhiều thử thách vì không ai xem công việc của cô là nghiêm túc. Là một cô gái trẻ lăn xả trong lĩnh vực hầu như chỉ dành cho nam giới, cô không chỉ đối mặt với định kiến của những người xung quanh mà còn phải chật vật đối diện với rào cản của bản thân. Valerie cũng khẳng định là cô rất khó thuyết phục được người khác tin mình. Xã hội Singapore với văn hóa Á châu đậm nét cũng còn tồn tại định kiến rất lớn về tuổi tác, suy nghĩ như: kiến thức tỷ lệ thuận với số tuổi và kinh nghiệm là trở ngại cho các bạn trẻ trên đường khởi nghiệp.
Tuy vậy, tuổi trẻ cũng là cơ hội tuyệt vời để các bạn sai lầm, học hỏi và đứng dậy làm lại từ đầu. Jian Rong chia sẻ: “Tôi cũng sợ thất bại vì tôi có quá ít kinh nghiệm. Nhưng tôi cũng phần nào tự tin vào tầm nhìn tương lai của mình”.
Sonia thì không có được sự ủng hộ của bố mẹ nhưng sau khi cô tự mình nỗ lực đạt được những thành công đầu tiên, bố mẹ đã thay đổi suy nghĩ.
Người trẻ chỉ có một cách để chứng minh năng lực, đó là lao vào hành động. Và khi thất bại, dù mọi người có nói gì đi nữa thì hãy kiên trì đi con đường mà mình đã chọn.
Chấp nhận thăng trầm
Dĩ nhiên là con đường thành công không khi nào bằng phẳng. Made Real đã suýt bị nhà đầu tư đầu tiên từ chối sau khi phát hiện cả hai đồng sáng lập chỉ mới 21 tuổi, dù mọi thứ trước đó đang rất thuận lợi. Cả Robin và Roselyn quyết định gọi điện để thuyết phục và giải quyết các mối nghi ngại của nhà đầu tư, và vốn đã được cấp.
Vì ôm đồm quá nhiều, Valerie đã có lúc tưởng chừng gục ngã và bỏ cuộc, nhưng nhờ gia đình và bạn bè hỗ trợ hết lòng, cô vẫn bám trụ được và đã giành được một suất đại diện cho NUS tham gia chương trình học tập – giao lưu tại Thung lũng Silicon trong vòng một năm.
Kiên trì và luôn học hỏi
Những điểm yếu như thiếu kinh nghiệm và kiến thức đôi khi khiến các doanh nhân trẻ gặp khó khăn, nhưng họ không nản lòng. Cả Sonia và Jun Wei đều đồng ý rằng, bản thân họ đã trải qua tình thế mà mọi người xem là “thất bại”, nhưng với họ đây là cơ hội để học thêm một bài học quý giá.
Sonia, sau những lời chỉ trích của những người xung quanh đã nhận ra bản thân đam mê và tâm huyết như thế nào với dự án, nên cô bắt tay làm lại. Jun Wei không có kinh nghiệm viết lách, thuyết trình hay quản lý sự kiện. Anh chàng đã cố gắng khắc phục bằng cách xem các chương trình về doanh nhân và khởi nghiệp trên TV, vừa giải trí vừa học nhanh cách giải quyết các vấn đề.
Tìm bạn đồng hành
Một trong những giây phút tồi tệ nhất với những doanh nhân trẻ này không chỉ là chật vật quản lý thời gian mà còn phải đối mặt với mối quan hệ với những đồng sáng lập khác cùng trang lứa. Jian Rong đã có thời gian căng thẳng với bạn đồng hành vì người này chỉ muốn nhanh chóng kiếm lời trong khi mục tiêu của Jian là phát triển công ty lớn mạnh lâu dài.
David cũng mệt mỏi vì CIO Academy gặp khó khăn ngay khi cậu kẹt giữa kỳ thi mà mọi người cần cậu có mặt để giải quyết. Trước những tình thế đau đầu này, sự bốc đồng tuổi trẻ và những suy nghĩ chưa thấu đáo rất dễ dẫn đến thất bại cho tất cả các bên.
8 lời khuyên các doanh nhân trẻ Singapore dành cho các bạn trẻ:
Các doanh nhân trẻ nói trên đã rất hào phóng chia sẻ kinh nghiệm để những bạn bè khác cùng trang lứa đang ấp ủ giấc mơ làm chủ. Đó là:
8 doanh nhân trẻ Singapore khởi nghiệp thành công ở lứa tuổi 20 (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới): David, Robin, Sonia, Jun Wei, Jian Rong, Valerie
1/ Đừng chờ đợi, đừng ngại thất bại, hiểu rõ mình muốn gì, luôn giao tiếp rõ ràng và đừng ngại nhờ vả mọi người giúp đỡ.
2/ Thành công của bản thân chưa phải là tất cả, bạn còn cần quan tâm đến cộng đồng xã hội. Bạn cũng chẳng thể thành công một mình, hãy giữ liên lạc với bạn bè và quan tâm đến gia đình.
3/ Một bài học đau sẽ khiến bạn nhớ lâu và hãy giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo để nhận ra những cơ hội học hỏi ở mọi thứ xung quanh, mà đặc biệt là từ thất bại.
4/ Hãy “mặt dày” một chút, không phải để được lợi nhiều hơn mà để vượt qua nỗi sợ của chính bản thân.
5/ Nhớ đừng giới hạn mình vì những điểm yếu ngày hôm nay, kiến thức có thể trau dồi và kinh nghiệm có thể tích lũy.
6/ Thời điểm tốt nhất để khởi nghiệp là do bạn chọn, không phải do thời thế, thị trường hay độ tuổi.
7/ Bạn phải sẵn sàng để đánh đổi.
8/ Chấp nhận rằng không phải mọi thứ đều màu hồng và mọi người luôn nghĩ khác bạn.