Nếu ngỗng ở tại chuồng, trại nuôi, thì ngoài việc cho ăn lúa, cũng có thể vớt lục bình trên các sông rạch về cho ngỗng ăn góp phần giảm chi phí.
Sau 4 năm khởi nghiệp hiện đàn ngỗng của anh Châu đã có gần 200 con, chủ yếu là ngỗng mái đẻ lấy trứng ấp bán con giống và nhân đàn, còn ngỗng trống thì nuôi thương phẩm.
Mô hình nuôi vịt trời bán hoang dã kiếm tiền tỷ mỗi năm / 9x khởi nghiệp làm chủ trang trại nuôi heo
Anh Châu lùa đàn ngỗng ra đồng cho ăn lúa, cỏ – Ảnh: T.T.P
Trước đây, mỗi khi thu hoạch lúa xong anh Hồ Văn Châu (30 tuổi, ngụ ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông, H.Phước Long, Bạc Liêu) thường đi tứ xứ làm thuê kiếm sống.
Năm nào cũng vậy, cứ sau vụ mùa khép lại, anh với nhiều thanh niên cùng quê lại phải khăn gói lên Bình Dương, TP.HCM tìm nơi làm thuê, làm mướn. Lao động vất vả mà thu nhập cũng chẳng bao nhiêu, lại sống xa nhà phải tốn thêm chi phí nhà trọ, ăn uống, xe cộ… nên hầu như ít có người dư giả để gửi tiền về phụ giúp gia đình.
Thay đổi suy nghĩ
Hoàn cảnh khốn khó đó đã làm anh Châu thay đổi suy nghĩ. Anh cho rằng đi đâu cũng không bằng quê hương vì ở đây anh có gia đình, ruộng vườn nếu quyết tâm thì vẫn sống được. “Tính toán như thế nhưng cái khó nhất là chọn hướng lập nghiệp như thế nào. Làm ruộng năm trúng năm thất, làm vườn thì thổ nhưỡng vùng này không phù hợp. Tuy nhiên tôi luôn nghĩ phải có gì đó để mình làm giàu, chỉ là chưa tìm ra thôi”, anh Châu nói.
Cách đây 4 năm, một lần tình cờ xem chương trình khuyến nông trên truyền hình thấy mô hình nuôi ngỗng thương phẩm ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết định thử sức với mong muốn làm giàu bằng vật nuôi này. Lúc này, Châu mua 20 con ngỗng con về làm chuồng thả nuôi. “Không ngờ khi thả nuôi lại gặp rất nhiều thuận lợi. Đàn ngỗng phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Càng nuôi càng mê, từ đó tôi quyết định nhân đàn để nuôi số lượng lớn hơn”, anh Châu nói.
Đến nay, sau 4 năm khởi nghiệp hiện đàn ngỗng của anh Châu đã có gần 200 con, chủ yếu là ngỗng mái đẻ lấy trứng ấp bán con giống và nhân đàn, còn ngỗng trống thì nuôi thương phẩm. Mỗi năm đàn ngỗng giúp gia đình anh có thu nhập gần 100 triệu đồng. Anh Châu chia sẻ: “Nuôi ngỗng như nuôi vịt chạy đồng. Hằng ngày tranh thủ lúc rảnh rỗi lùa đàn ngỗng ra đồng để ăn lúa, cỏ. Nếu ngỗng ở tại chuồng, trại nuôi, thì ngoài việc cho ăn lúa, cũng có thể vớt lục bình trên các sông rạch về cho ngỗng ăn góp phần giảm chi phí.
Theo cách nuôi này ngỗng tăng trọng rất nhanh, chỉ sau 3 tháng mỗi con đạt trọng lượng từ 3 – 4 kg”. Theo kinh nghiệm của anh Châu, để hạn chế và phòng ngừa dịch bệnh trên đàn ngỗng thì khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại cần áp dụng theo định kỳ hằng tuần. Đặc biệt phải thường xuyên tiêm phòng vắc xin để phòng ngừa bệnh, tăng sức đề kháng cho ngỗng.
Thời gian qua, nhờ tham gia thường xuyên các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi thú y cùng với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chăn nuôi, anh Châu nuôi ngỗng luôn thành công. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên để hạn chế chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế. Anh Châu cho biết hiện tại nhu cầu thịt ngỗng và ngỗng con trên thị trường rất lớn, thương lái tìm đến tận nhà để thu mua.
Hiện thịt ngỗng có giá khoảng 70.000 đồng/kg và ngỗng con 75.000 đồng/con nhưng vẫn không có đủ để bán. Mô hình nuôi ngỗng của anh Châu đang được nhiều người ở các huyện lân cận trực tiếp đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng nhân rộng. Ngoài mô hình nuôi ngỗng, làm ruộng anh Châu còn đầu tư xây dựng lò ấp trứng bằng cách mua trứng vịt tươi về ấp trứng vịt lộn và vịt con bán cho các hộ dân nuôi vịt chạy đồng, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế gia đình.