Trước đó từ giữa tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra dọc bờ biển miền Trung. Sau quá trình tìm hiểu, nguyên nhân của hiện tượng này đã được cơ quan quản lý và các nhà khoa học tìm ra, dự kiến công bố trong tháng 6 này.
Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy lượng khách quốc tế đến một số tỉnh miền Trung giảm 20-50% trong dịp cao điểm tháng 5.
Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa có báo cáo phát triển ngành dịch vụ tháng 5 và 5 tháng đầu năm, trong đó có đánh giá tình hình khách du lịch quốc tế.
Cơ quan này cho rằng trong tháng 5, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 được xem là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp lữ hành tung ra sản phẩm mới thu hút khách du lịch, góp phần làm sôi động thị trường trong và ngoài nước. “Tuy nhiên, vào đầu tháng 5/2016, hiện tượng cá chết tại một số tỉnh miền Trung như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, đặc biệt đúng vào thời điểm nghỉ lễ”, báo cáo viết.
Cụ thể, lượng khách quốc tế tới Quảng Bình trong tháng 5 đạt 82.000 lượt, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2015. Nghệ An đón 22.000 lượt, giảm 20% so với cùng kỳ, Quảng Trị là 3.500 lượt, giảm hơn 50%.
Trước đó từ giữa tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra dọc bờ biển miền Trung. Sau quá trình tìm hiểu, nguyên nhân của hiện tượng này đã được cơ quan quản lý và các nhà khoa học tìm ra, dự kiến công bố trong tháng 6 này.
Tính chung trong tháng 5, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 780.000 lượt, giảm 1,2% so với tháng trước. Các thị trường khách trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang có sự sụt giảm 3,6%. Tổng lượng khách quốc tế 5 tháng tăng 20%, lên 4,03 triệu lượt. Trong đó khách châu Á chiếm tới 2,8 triệu lượt, châu Âu đạt 727.800 lượt.
Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chủ yếu từ một số thị trường như: Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nga… Mặc dù thị trường các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) được miễn thị thực nhưng lượng khách từ các nước này trong tháng 5 ước tăng không đáng kể so với trước đó.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trong 6 tháng cuối năm, Vụ Kinh tế Dịch vụ đề xuất cơ quan quản lý cần phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, cải thiện môi trường du lịch, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm.
Đối với chính sách miễn thị thực, báo cáo cho rằng cần đánh giá lại tác động, cân nhắc việc duy trì chính sách miễn thị thực với những nước thực sự có nguồn khách lớn, ổn định, có chính sách thị thực tương đối phù hợp với Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga), tạm dừng miễn thị thực đối với một số nước để tận dụng nguồn thu cho ngân sách…