Sản phẩm “mắt thần” sẽ có thêm thiết bị gắn ở thắt lưng nhằm gia tăng phạm vi nhận biết vật cản của người sử dụng.
Nhiều người khiếm thị không giấu được niềm vui khi trải nghiệm nhiều tính năng mở rộng hữu ích của thiết bị “mắt thần” dưới sự hướng dẫn của TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).
Sáng 16/08, TS trẻ Nguyễn Bá Hải cùng nhóm nghiên cứu đã ra mắt nhiều tính năng mở rộng hữu ích của thiết bị “mắt thần” phiên bản mới nhất, hỗ trợ tối đa cho người khiếm thị tại Việt Nam.
Theo TS Hải, phiên bản “mắt thần” MT2EX được mở rộng bằng việc thiết kế thêm bộ phận phát hiện vật cản gắn ở thắt lưng người khiếm thị. Thiết bị này sẽ giúp người khiếm thị nhận biết vật cản ở khu vực thấp (từ hông trở xuống). Với sự kết hợp của thiết bị kính đeo ở mắt, người khiếm thị giờ đây có thể nhận biết vật cản với phạm vi rộng hơn trong quá trình di chuyển.
“Sự hỗ trợ đồng thời của kính và thiết bị gắn ở thắt lưng sẽ giúp người khiếm thị tự tin hơn khi di chuyển” – TS Hải nói.
TS Hải hướng dẫn cách sử dụng “mắt thần” phiên bản mới nhất cho người khiếm thị. Ảnh: Hà Thế An.
Em Đỗ Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9 trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10) cho biết, đã sử dụng nhiều phiên bản “mắt thần” nhưng với phiên bản hiện tại cho em cảm giác thích thú và thoải mái nhất.
“Thiết bị nhận biết vật cản đeo ở thắt lưng giúp em có thể nhận biết vật cản ở tầm thấp. Bây giờ, em có thể bước lên các bậc tam cấp hoặc di chuyển lên xuống cầu thang dễ dàng hơn”- Anh Thư nói.
Còn anh Hà Chương (Q. Bình Thạnh) vui vẻ kể, với thiết bị mới này, anh sẽ không còn “sưu tập” thêm…sẹo ở chân trong quá trình đi lại nữa. Thiết bị này giúp anh nhận biết vật cản tầm thấp để tránh.
Nhiều người khiếm thị không giấu được niềm vui khi trải nghiệm sản phẩm. Ảnh: Hà Thế An.
Tại buổi thử nghiệm sản phẩm mắt thần MT2EX, nhiều người khiếm thị đã đóng góp ý kiến như: thiết kế bộ phận rung sát với cơ thể để cảm nhận rõ hơn, kết nối giữa kính và thiết bị đeo ở thắt lưng bằng bluetooth để không còn sử dụng dây như hiện nay…
Sản phẩm “mắt thần” sẽ có thêm thiết bị gắn ở thắt lưng nhằm gia tăng phạm vi nhận biết vật cản của người sử dụng. Ảnh: Hà Thế An.
TS Nguyễn Bá Hải cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của người khiếm thị để cải tiến sản phẩm tối ưu nhất, sớm đem “mắt thần” đến với những người khiếm thị trên cả nước.
“Mắt thần” cho người khiếm thị là một dự án phi lợi nhuận của nhóm các nhà khoa học do TS Nguyễn Bá Hải làm chủ nhiệm đề tài. Theo kế hoạch, “mắt thần” sẽ được sản xuất thử nghiệm 1000 thiết bị dành cho người khiếm thị. Dự án này do Bộ khoa học và công nghệ ký kết với trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Tổng kinh phí cho giai đoạn thử nghiệm ước tính 5,5 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học.