Qua các startups, Microsoft xây dựng cho mình một hình ảnh gần gũi trong giới khởi nghiệp; cập nhật và nắm được nắm được xu hướng phát triển của thị trường. Trong thời đại công nghệ ngày nay, đây là một yếu tố rất quan trọng.
Gần đây, khi khởi nghiệp ngày càng được sự quan tâm của cộng đồng và Nhà nước, chúng ta bắt đầu nghe nhiều về chuyện doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp, ví như các chương trình khởi nghiệp cùng Fbstart từ Facebook hay như Lotte, AIA hỗ trợ văn phòng khởi nghiệp…
uy nhiên, dường như tất cả chỉ dừng ở mức hỗ trợ chứ chưa có những hình thức hợp tác chiến lược, hai bên cùng có lợi, từ doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp –startups. Trong bối cảnh như vậy, các bài học hợp tác thông qua mô hình trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (Business Accelerator – BA) từ thế giới có thể sẽ là một gợi ý hữu ích cho các Việt Nam.
Ông Amir Gelman chia sẻ về khởi nghiệp tại khóa học. Ảnh: Đ.T
Vì sao các công ty lớn xây dựng chương trình cho startups?
Trong một khóa học Đổi mới sáng tạo do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức gần đây, ông Amir Gelman, một chuyên gia từ The Junction – một BA nổi tiếng tại Israel – chia sẻ hiện nay trên thế giới có khoảng 200 tập đoàn lớn đã bắt đầu xây dựng BA để hỗ trợ các startups.
Trong số các doanh nghiệp lớn tham gia chương trình này, ngoài những tên tuổi lớn về công nghệ như Microsoft, Samsung, IBM…, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trong danh sách này còn có cả những tên tuổi tưởng chừng như chẳng mấy liên quan đến hoạt động khởi nghiệp như CocaCola, Unilever.
BA sẽ tuyển chọn các startups phù hợp với tiêu chí do công ty mình đưa ra và cung cấp một chương trình hỗ trợ kéo dài 3-6 tháng, cơ bản gồm đào tạo, tư vấn, kết nối nhằm mục đích giúp các startups tăng tốc, phát triển nhanh nhất có thể. Và chương trình sẽ kết thúc bằng một buổi thuyết trình, thường gọi là Demo Day, để các startups trình bày ý tưởng của mình trước các nhà đầu tư nhằm kêu gọi vốn.
Lấy ví dụ như trường hợp của Microsoft, theo ông Amir, BA của công ty này tuyển các startups hoạt động trong lĩnh vực điện toán đám mây (cloud), internet hoặc ứng dụng di động – những lĩnh vực mà Microsoft có thế mạnh và quan tâm phát triển. Điều đặc biệt, Microsoft chỉ hỗ trợ hoàn toàn mà không yêu cầu quyền đầu tư hoặc sở hữu bất cứ tỷ lệ cổ phần nào trong các startups đó.
Chính điều này giúp BA của Microsoft có thể thu hút những startups giỏi nhất tham gia vào chương trình, Amir giải thích. Việc Micorsoft sở hữu cổ phần trong các startups dễ làm cho các công ty khởi nghiệp có cảm tưởng như mình chịu sự chi phối của gã khổng lồ công nghệ này và từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc gọi vốn đầu tư của các startups về sau, ông Amir phân tích thêm.
Dĩ nhiên, đổi lại, Microsoft vẫn có được nhiều lợi ích từ chương trình BA và không phải ngẫu nhiên mà hiện nay Micorsoft đã có 7 BA trên toàn thế giới để hỗ trợ khởi nghiệp. Qua các startups, Microsoft xây dựng cho mình một hình ảnh gần gũi trong giới khởi nghiệp; cập nhật và nắm được nắm được xu hướng phát triển của thị trường. Trong thời đại công nghệ ngày nay, đây là một yếu tố rất quan trọng.
Nói rộng ra, theo Amir, việc xây dựng BA hay những chương trình tương tự khác hỗ trợ startups sẽ giúp các doanh nghiệp lớn đạt được năm lợi ích cơ bản sau: i. Giúp doanh nghiệp nắm được sự chuyển biến trong thị trường và duy trì tính cạnh tranh; ii. xây dựng hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp; iii. Xác định được nỗi đau của khách hàng(customer pains): thường các startups năng động hơn và làm tốt điều này hơn các doanh nghiệp lớn, vốn dễ giảm/mất đi tính linh hoạt do tổ chức ngày càng cồng kềnh; iv. Làm mới tinh thần doanh nhân cho nhân viên: khi các nhân viên và cấp quản lý của doanh nghiệp làm việc cùng startups, họ được tiếp xúc với một văn hóa khởi nghiệp đầy đam mê, khám phá những phương pháp làm việc mới cũng như bắt đầu sủ dụng những công cụ mới trong công việc hàng ngày của họ; v. Thử nghiệm chính những công nghệ mới từ các startups mà không phải tốn chi phí xây dựng và sử dụng.
Để xây dựng một BA thành công, một nguyên tắc quan trọng cần nhớ đó là “luôn vì startup trước, doanh nghiệp sau. Sự thành công của startups sẽ tự động mang lại những lợi cho doanh nghiệp”, ông Amir đưa ra lời khuyên.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ?
Những lợi ích mà một BA mang lại cho doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi, thế nhưng không hẳn lúc nào doanh nghiệp cũng có thể xây dựng được một BA cho riêng mình, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như tại Việt Nam.
Để khắc phục tình hướng này, có hai giải pháp mà doanh nghiệp có thể nghĩ đến.
Cách thứ nhất, doanh nghiệp có thể tài trợ các BA do các quỹ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước lập ra. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tham gia trong vai trò tư vấn và trực tiếp làm việc cùng các startups trong BA. Amir chia sẻ, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp The Junction nơi anh làm việc thu hút được sự cộng tác của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ, trong số đó có cả SAP, một công ty lớn có trụ sở ở Đức, chuyên cung cấp phần mềm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và quản lý khách hàng.
Cách thứ hai, đơn giản hơn là theo dõi thông tin hoạt động từ các BA để biết và tham dự Demo Day, nơi các startups – sau giai đoạn tăng tốc, sẽ trình bày dự án của mình để kêu gọi đầu tư.
Hiện, tại Việt Nam, mô hình trung tâm tăng tốc khởi nghiệp chưa nhiều và nổi bật nhất là BA do đề án Vietnam Silicon Valey trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Tuy vậy, các ngày Demo Day hay các buổi Pitching (Thuyết trình gọi vốn trước nhà đầu tư) vẫn được tổ chức khá thường xuyên từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như SECO EP, Viet Youth Entrepreneurs, Startup Vietnam Foundation; không gian làm việc chung DreamPlex …
Một phương pháp đánh giá startups
Thường, chúng ta quen nghe rằng khi đánh giá một startup, các nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố rất chung chung như thành viên sáng lập, độ lớn thị trường, giải pháp… Thế nhưng các thông tin như yếu tố nào quan trọng nhất, trọng số đánh giá như thế nào… vẫn chưa được đề cập nhiều.
Trong phần chia sẻ của mình, Amir đưa ra một bảng đánh giá đúc kết từ kinh nghiệm của anh ít nhiều làm các học viên ngạc nhiên. Khi đánh giá một startup, vị chuyên gia Israel quan tâm đến 5 yếu tố được đánh giá theo thang điểm 10 và sắp xếp theo tính quan trọng như sau:
1. Trực giác về startup. Trọng số: 5.
2. Kinh nghiệm và khả năng của các thành viên sáng lập. Trọng số 4.
3. Độ lớn thị trường. Trọng số 3.
4. Giải pháp/Sản phẩm. Trọng số 2.
5. Traction – tạm dịch: Kết quả startup đạt được. Trọng số 1.
Các startups có điểm từ 80 trở lên sẽ được chọn. Tuy vậy, theo Amir, vẫn có trường hợp ngoại lệ nếu trực giác mách bảo bạn rằng đây là một đội với các thành viên sáng lập tốt đáng để đầu tư. Từ kinh nghiệm của mình, Amir nhìn nhận việc đánh giá một startup ở giai đoạn ban đầu thiên về nghệ thuật nhiều hơn là khoa học.
Xin lưu ý, phương pháp Amir đưa ra chỉ là một gợi ý, nó có thể đúng với người này nhưng chưa hẳn hợp với người khác.